Tin tức sự kiện

QUY TRÌNH CHĂM SÓC LÚA MÙA SAU CẤY
Ngày đăng 18/07/2023 | 11:17  | Lượt truy cập: 75

Hiện nay trên địa bàn xã bà con nông dân  cơ bản đã cấy xong cây  lúa đang ở giai đoạn bén rễ, hồi xanh, bắt đầu đẻ nhánh . Để cây lúa sinh trưởng , phát triển tốt và đạt năng suất cao UBND xã Tiên Dược thông báo hướng dẫn quy trình chăm sóc lúa mùa sau cấy cụ thể như sau:

- Sau cấy 10 – 15 ngày phải sục bùn, làm cỏ, kết hợp với bón phân thúc đẻ lần 1. Bà con nên hạn chế phun thuốc trừ cỏ vì sẽ làm ảnh hưởng quá trình đẻ các nhánh hữu hiệu trong 15 ngày đầu và rất độc hại với con người, gây ô nhiễm môi trường.

1. Đối với bón phân:

Cần cân đối đạm, lân, kali, bón đúng cách, đúng thời điểm cây cần.

Tận dụng các nguồn phân hữu, phân chuồng hoai mục lượng từ 300 – 400 kg/sào, tương đương 15-20 kg phân vi sinh; vôi 15-20 kg/sào, bón khi bừa vỡ. Sau bừa cấy lần cuối bón lót NPK 15 kg/sào loại 5:10:3; phân đạm ure từ 1,5-2 kg/sào.

Sau cấy 10 - 15 ngày phải bón thúc lượng đạm với lúa lai 4- 6 kg/sào, lúa thuần 3-5 kg/sào và 2-3 kg Kali/sào hoặc có thể sử dụng phân NPK12.5.10 với lượng 8-10 kg/sào để bón, kết hợp làm cỏ, sục bùn để phá váng vùi phân sâu xuống. (Đối với chân đất pha cát nhiều thì chia lượng đạm thành 2 lần bón cách nhau 7-10 ngày để hạn chế lượng đạm bị rửa trôi)

Bón đón đòng: Nên bón đón đòng sớm, vào thời điểm sau cấy khoảng 35-40 ngày là thích hợp, nên bón lượng đạm từ 1-1,5 kg/sào kết hợp với 2-3 kg Kali/sào, tùy theo tình hình sinh trưởng của cây lúa để cân đối lượng đạm thích hợp cho giai đoạn này.

(Do vụ mùa thời gian chuyển vụ ngắn, nhiều diện tích ruộng đất chưa làm kỹ sẽ làm cho lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ. Khi phát hiện lúa bị ngộ độc hữu cơ với biểu hiện chậm bén rễ hồi xanh, lúa bị vàng, bộ rễ không phát triển, lúa sinh trưởng chậm…cần rắc vôi, sục bùn, thay nước, đồng thời sử dụng một số chế phẩm phân bón qua lá như: Kahumat, hydrophos…)

2. Chế độ nước:

Sau cấy cần giữ mực nước ổn định từ 2-3 cm, khi lúa đẻ nhánh đạt 8-9 dảnh/khóm cần tháo cạn nước phơi ruộng đến nứt nẻ chân chim, sau đó dẫn nước vào ruộng và giữ mực nước từ 3-5 cm đến khi lúa chín đỏ đuôi cần tháo nước khô dần đến khi thu hoạch

(Việc tháo nước phơi ruộng là biện pháp kỹ thuật quan trọng giúp bộ rễ phát triển mạnh, cây lúa hấp thu được nhiều dinh dưỡng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, tạo cho cây lúa chuyển từ giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng sang giai đoạn sinh trưởng sinh thực, hạn chế dảnh vô hiệu cho năng suất cao. Tuy nhiên biện pháp này chỉ áp dụng những nới chủ động tưới tiêu, những nơi không chủ động nguồn nước thì thường xuyên giữ mực nước nông trên ruộng 3-5 cm).

3. Phòng trừ sâu bệnh:

Trong vụ mùa thường có những đợt nắng nóng xen kẽ với các đợt mưa rào, đó là điều kiện thuận lợi để một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Bà con nông dân cần chủ động theo dõi, phát hiện và phòng trừ một số loại sâu bệnh trên như: Sâu cuốn lá, sâu đục thân, chuột, bệnh vàng lá sinh lý …Các đối tượng sâu bệnh hại UBND xã sẽ thông báo hướng dẫn phòng trừ cụ thể theo giai đoạn phát sinh gây hại.

Bản đồ hành chính

 

website tra điểm vnedu tra cứu điểm - Phần mềm kinh doanh: phần mềm tính tiền karaoke vietbill - Phần mềm kinh doanh: phần mềm tính tiền bida vietbill