DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ LỄ HỘI

Với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, xã Tiên Dược có những công trình văn hóa đa dạng như đình, đền, chùa, miếu. Do thời gian, thiên nhiên, chiến tranh, một số công trình bị phá hủy, không còn nguyên vẹn. Sau khi đất nước hòa bình, các công trình được tu bổ tôn tạo lại, phục vụ sinh hoạt cộng đồng, lưu giữ truyền thống văn hóa.

Đình Dược Hạ (thôn Dược Hạ) có khởi nguồn tạo dựng từ rất sớm. Đình thờ vị phúc thần có công với nước là Xá Lợi Đại Vương. Hiện nay chưa tìm thấy tư liệu cụ thể ghi chép về niên đại xây dựng đình, song căn cứ vào các khối kiến trúc vật chất, di vật hiện còn, có thể dự đoán niên đại xây dựng đình vào khoảng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Tại đình còn lưu giữ tấm bia có niên đại Thành Thái 7 (năm 1895) và Thành Thái 17 (năm 1905). 

Đình tọa lạc trên một khu đất cao, hướng Đông Nam, phía trước là hồ nước. Đình kết cấu dạnh chữ "Đinh" gồm: Tòa đại đình 5 gian, 2 chái và một gian hậu cung. Mái lợp ngói mũi hài, bốn góc đao cong hình vân lá hóa rồng, bờ nóc đắp dạng bờ đinh.

Đình Dược Hạ còn lưu giữ nhiều di vật quý như: 4 tấm bia đá niên hiệu Minh Mệnh 18 (1837), Tự Đức 12 (1859), Tự Đức 34 (1881); kiệu rước, long ngai được chạm khắc tỉ mỉ, chau chuốt, sơn son thếp vàng.

Đình đã qua nhiều lần trùng tu, gần nhất là tháng 7 năm 2014, đình được tu bổ quy mô lớn với tổng kinh phí trên 17,8 tỷ đồng và khánh thành tháng 1 năm 2015. Đình Dược Hạ được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2006, tại quyết định 78/QĐ-BVHTT.

Khu di tích Đền Chùa Lương Châu (tại thôn Lương Châu) với quần thể di tích Đền và Chùa, trong đó Đền được xếp hạng ti tích kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 7670/QĐ-UBND ngày 03/11/2017và Chùa được xếp hạng di tích lịch sử tại Quyết định số 7671/QĐ-UBND ngày 03/11/2017.

Di tích Đền Lương Châu

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn các đình, chùa ở 7 thôn, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng của Nhân dân.

Xã Tiên Dược còn lưu giữ được nhiều lễ hội truyền thống. Trong đó, tiêu biểu là Hội làng vào ngày 12/10 (Âm lịch) hàng năm và lễ rước voi Hội Gióng - Đền Sóc mùng 6 tháng Giêng.

Trong lễ rước voi Hội Gióng - Đền Sóc, Nhân dân thôn Dược Thượng tổ chức các nghi lễ đan voi từ mùng 5 tháng Chạp. Tre được dùng để đan voi phải là tre ta, chọn lựa những cây tre thẳng, không sâu, không quá già đảm bảo độ dẻo, độ dai khi tạo hình Voi tiến lễ. Công đoạn đan voi được các cụ cao niên trong thôn thực hiện.

Voi sau khi đan, được hong nắng, gió cho khô, và dán giấy, tô màu. Lễ khai quang cho Voi lễ thường được tiến hành vào chiều mùng 5 Tết. Đoàn rước voi gòm 150 người. Là đoàn rước lễ thứ 3 trong Hội Gióng - Đền Sóc. Đi đầu là đội hình múa lân, tiếp theo là đội múa xinh tiền, đội binh khí, đội cờ, tù và, đuốc lớn, đi trước kiệu rước Voi. Đội rước Voi mặc áo vàng nẹp đỏ, đội tế nam, đội hình quan viên, dân làng. Vừa đi vừa tung hô, tạo nên không khí sôi động.